08/01/2025
Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Sơn La năm 2025
Lượt xem: 142
(Sở Nội vụ) Ngày 24/12/2024, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2769/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Sơn La năm 2025.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả lộ trình cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh theo Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ giai đoạn 2021-2030, nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, các hoạt động của các cơ quan nhà nước đồng bộ, thông suốt, minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương giao tại Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ; Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 24/12/2024, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2769/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Sơn La năm 2025, với mục đích phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đề ra đến năm 2025 nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, các hoạt động của các cơ quan nhà nước đồng bộ, thông suốt, minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả nhằm xây dựng hệ thống cơ quan hành chính nhà nước thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong Chuyển đổi số, trong hoạt động công vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và chính quyền cấp xã. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ người dân, tổ chức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị; chú trọng cải thiện, nâng cao các chỉ số của tỉnh.
Nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch tập trung vào nội dung các nội dung chủ yếu: Chỉ đạo điều hành; Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trong đó đã đề ra 40 chỉ tiêu phấn đấu, 76 nhiệm vụ cụ thể và 6 giải pháp, gồm:
Về Công tác chỉ đạo, điều hành: tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính theo quy định của Chính phủ; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính theo Kế hoạch đề ra đến năm 2025; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức đánh giá, xác định các Chỉ số năm 2025; thực hiện kiểm tra trực tiếp về công tác CCHC trên 30% các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng Chuyên mục CCHC.
Cải cách thể chế: Phấn đấu 100% văn bản quy phạm pháp luật được cụ thể hóa hoặc triển khai kịp thời; được rà soát, sửa đổi, bổ sung, phù hợp; được kiểm tra kịp thời theo quy định; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC): tiếp tục đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa số quy định và cắt giảm chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (theo kế hoạch của Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành); hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng 90%, 80%, 60% theo quy định Điều 25, Khoản 3, Điều 27 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát, rà soát thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: bảo đảm các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh có cơ cấu bên trong theo đúng quy định; tiếp tục sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính; rà soát, sắp xếp giảm tối đa các ban quản lý dự án, các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách; thực hiện trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp; ban hành và triển khai các biện pháp theo dõi, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đã phân cấp.
Cải cách chế độ công vụ: 100% các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh bố trí công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm đã được phế duyệt; tuyển dụng viên chức đúng quy định; cán bộ, công chức, viên chức được luân chuyển, bổ nhiệm đúng quy định; tiếp tục rà soát, phê duyệt đề án vị trí việc làm và thực hiện bố trí viên chức theo vị trí việc làm theo quy đinh; việc tuyển dụng công chức, viên chức phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đồng thời đảm bảo lộ trình cắt giảm biên chế theo Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Cải cách tài chính công: thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 đạt từ 90% trở lên; trên 80% số cơ sở nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý. Phấn đấu thu nội địa năm 2025 tăng khoảng 8-10% so với đánh giá năm 2024; phấn đấu thu ngân sách nhà nước cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024; Chỉ số công khai POBI năm 2025 tăng điểm và tăng hạng; đến hết năm 2025, toàn tỉnh Sơn La có khoảng 4.000 doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan để đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước. Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện cân đối ngân sách địa phương đảm bảo triển khai các chính sách an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025; bố trí đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số: hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh; phấn đấu vị trí xếp hạng chuyển đổi số (DTI) của tỉnh đạt mức khá trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Kế hoạch số 251/KH-UBND ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy; Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 28/11/2024 của UBND tỉnh; triển khai hiệu quả các hệ thống dùng chung phục vụ công tác quản lý, điều hành của tỉnh; Đề án thí điểm mô hình phòng học thông minh; Đề án Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh (IOC) tại Sở Giáo dục và Đào tạo và Hệ sinh thái Giáo dục thông minh tại các cơ sở giáo dục; Đề án Bệnh viện thông minh.
https://sonla.gov.vn/thong-tin-hoat-dong/ke-hoach-cai-cach-hanh-chinh-nha-nuoc-tinh-son-la-nam-2025-901734
Tác giả: Nguồn Thúy Sâm